Nhớ về trường xưa ..... |
TRƯỜNG TIỂU HỌC CÔNG LẬP SƯ PHẠM THỰC HÀNH Q5 SÀI GÒN |
"Em còn nhớ hay em đã quên.." |
Trong suốt một phần tư thế kỷ (1950 – 1975) tồn tại lúc tại trường ĐỖ HỮU VỊ cạnh chợ BẾN THÀNH, lúc trôi dạt sang Thảo Cầm Viên SÀI GÒN trước khi định cư tại đường TRẦN BÌNH TRỌNG, ở quận 5, trường Sư Phạm Thực Hành Sài Gòn luôn luôn gắn liền với các Trường Sư Phạm Nam Việt, Quốc Gia Sư Phạm và Sư Phạm Sài Gòn nhằm góp phần vào việc đào tạo giáo viên Tiểu học cho nền giáo dục Việt Nam. Lèo lái ngành Sư Phạm tiểu học non trẻ trong giai đoạn đầy sóng gió, các bậc tiền bối từ thầy HỒ VĂN HUYÊN , NGUYỄN VĂN THƠ , TRƯƠNG HỮU TƯỚC , NGUYỄN HỮU PHƯỚC (hiện ở Mỹ), NGUYỄN NGỌC QUANG, ĐOÀN VIẾT BỬU (hiện ở VN) đã vượt khó, thầm lặng đóng góp bao công sức mồ hôi, nước mắt nhằm tạo nên một thế hệ nhà giáo tiểu học vừa tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của thế giới vừa duy trì được bản sắc cố hữu của nền giáo dục Phương Đông. Đạt được kết quả như ngày hôm nay không thể không kể đến công sức của các thế hệ lãnh đạo Trường SƯ PHẠM THỰC HÀNH SÀI GÒN từ thầy TRƯƠNG VĂN LỤA, THỀM VĂN ĐẮT, CHÂU NGỌC CẢNH, cùng các lão thành dày dạn kinh nghiệm đứng lớp, hết lòng vì học sinh thân yêu, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hƣớng dẫn các em giáo sinh nắm vững phương pháp Sư phạm như các Thầy MÃ TẮC, HUỲNH HỮU THANH, NGUYỄN VĂN QUAN, các Cô LÊ THỊ MÃO, TRƯƠNG THỊ TÀI, NGUYỄN THỊ DANH, NGUYỄN THỊ XUÂN ... Phương châm bất di bất dịch của tập thể SƯ PHẠM THỰC HÀNH là sẵn sàng chia sẻ, không giấu nghề, luôn lắng nghe trao đổi học hỏi với các thế hệ đàn em, với các chuyên gia giáo dục nước ngoài trong giai đoạn chuyển tiếp đầy bất trắc trước 1975. Tôi may mắn được điều về trường SƯ PHẠM THỰC HÀNH SÀI GÒN năm 1962 từ Long An cùng với 7 giáo viên khác từ các tỉnh Tây Ninh, Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Kiến Hòa. Có lẽ đây là lần đầu trường tiếp nhận đợt tăng cường đông đảo nhất ! Cầm tờ Sự Vụ Lệnh trong tay, chúng tôi ai cũng hồ hởi, cho mình là “number one” mới được điều về SÀI GÒN, phục vụ tại một một trường tầm cỡ để đào tạo các “Thầy giáo tương lai”. Gần 50 năm sau, “nghỉ dạy” đã lâu, mắt đã mờ, giọng nói không còn sang sảng như trước, nếm đủ ngọt bùi của cuộc sống, tôi vẫn bồi hồi xúc động nhớ đến buổi tiếp xúc đầu với gần 15 giáo viên của trường SƯ PHẠM THỰC HÀNH Sài Gòn dưới sự chủ trì của Thầy Hiệu trưởng LỤA và các thầy ĐẮT, MÃ TẮC. Sau phần giới thiệu lý lịch trích ngang của 8 chúng tôi với các đồng nghiệp, thầy Lụa đi vào trọng tâm của buổi họp, thầy nói : “Trường rất mừng được đón tiếp, mong các anh chị sớm hòa nhập và làm quen với hoạt động của trường. Giữa chúng ta với nhau, cần thẳng thắn, không có gì phải giấu giếm. Các anh chị là những giáo viên ưu tú, có năng lực mới được tăng cường về đây, nhưng nói ra anh chị đừng buồn, những kinh nghiệm, những điều anh chị đã học hỏi trước đây chưa đủ cho công việc và trách nhiệm sắp tới của các anh chị. Cần phải học hỏi và trau dồi thêm. Đứng lớp, đứng trên bục giảng của trường SƯ PHẠM THỰC HÀNH là làm dâu trăm họ, hãy nhớ kỹ điều ấy”. Khi dạy mẫu trên giảng đường, các anh chị là mục tiêu của hàng trăm cặp mắt quan sát từ cách ăn mặc, giọng nói, cử chỉ, tiếng cười, nhứt cử nhứt động ... đều lọt vào tầm ngắm của các Giáo sư hướng dẫn môn Sư Phạm, các giáo sinh dự thính, thường 2 - 3 lớp (120 giáo sinh) để học hỏi kinh nghiệm, 2 hoặc 3 chuyên gia giáo dục nước ngoài đến dự khán để thẩm định phương pháp giảng dạy, sử dụng học cụ, học liệu ... chưa kể 30 đến 40 học sinh cơ hữu của anh, chị. Học sinh cơ hữu (30 - 40) là những cá thể đặc biệt rất khác với học sinh cũ của các anh chị trước đây. Cần đặc biệt quan tâm đến điểm này. Mỗi năm học, các em thay đổi ít nhất là 30 giáo viên khác nhau mà đa số còn non kém chưa có kinh nghiệm giảng dạy. Đừng tưởng 8, 10 tuổi đầu chúng chưa biết gì đâu, dễ sai bảo, răm rắp tuân theo lời Thầy Cô tập sự. Không đâu ! Nhiều giai thoại cười ra nước mắt tại các lớp của trường SƯ PHẠM THỰC HÀNH ... Thời gian sẽ giúp anh chị ngộ ra. Ngoài học sinh cơ hữu, bạn bè trong trường, các anh chị còn là Cố Vấn không công cho các em giáo sinh đến thực tập, nhờ hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm đứng lớp, cách duy trì trật tự, các học sinh cá biệt ... Dù làm không công, các anh chị không được khước từ dù ngoài giờ hành chính mà phải làm tận tình đến nơi đến chốn ! Trước khi kết thúc, ông phán một câu xanh rờn: “Bổn phận trước tiên của chúng ta là đóng cửa dạy nhau. Sáng thứ Hai tuần tới Thầy A dạy môn Đức Dục Lớp 3, Sáng thứ Ba cô H dạy Tập Đọc Lớp 4 ....... Thành phần tham dự gồm tất cả giáo viên và Ban Giám Hiệu của Trường. Sau 30 phút dạy, ta có 2 giờ để mổ xẻ rút ưu khuyết điểm. Không một ai vắng mặt.” Tôi và 7 Thầy Cô vừa được tăng cường như trên trời rơi xuống. Một anh đến ghé tai tôi nói như mếu nếu biết khổ như thế này thà mỗi ngày lội sình 2 cây số còn sướng hơn về đây ! Năm đó ngoài việc đứng lớp tại trường SƯ PHẠM THỰC HÀNH, mỗi tối tôi phải theo học lớp đêm tại Trung Tâm Đào Tạo giáo sư đệ I cấp tại trường Đại học sư phạm Sài Gòn nên bị quay cuồng như cái chong chóng. Hết dạy mẫu cho giáo sinh (thường là 2 hay 3 lớp) tại giảng đường để rút kinh nghiệm. Phải theo dõi chấm điểm, hướng dẫn giáo sinh dạy các môn cho học sinh tiểu học. Phải dạy lại để cập nhật kiến thức cho học sinh cơ hữu sau các giờ đứng lớp của các giáo sinh còn non trẻ. Như đã nói ở trên đây là nhóm giáo viên đông nhất được phân bổ về SƯ PHẠM THỰC HÀNH, nhưng khổ nỗi cơ sở vật chất vẫn như cũ. Năm đó (1962 – 1963) những giáo viên mới về chúng tôi phải dạy tạm tại 5 phòng học của trường Sư Phạm Sài Gòn nằm dọc theo đường Thành Thái (nay là An Dương Vương). Muốn qua trao đổi, tham khảo kinh nghiệm với đồng nghiệp và Ban Giám Hiệu phải chạy tới lui như con thoi cách nhau 300, 400 thước. Một chuyện thuộc loại thâm cung bí sử ít ai biết được thâm ý của các lão tiền bối ngày trước xin thuật lại cho vui. Thầy HỒ VĂN HUYÊN là vị “khai quốc công thần” của trường Quốc Gia Sư Phạm nên khi thiết kế không biết do sáng kiến của Cụ hay các Kiến Trúc Sư em út muốn tôn vinh Cụ nên thiết kế trường Quốc Gia Sư Phạm thành hình chữ H, trường Sư Phạm Thực Hành nằm bên cạnh thành chữ U và nghe đâu còn dự trù các cơ sở giáo dục trực thuộc mang tiếp các chữ Y, E, N chạy dọc đường Thành Thái về phía chợ An Đông, và các nhà nghỉ của giáo viên ở Vũng Tàu. Tôi tạm biệt mái ấm Sư phạm Thực Hành cuối năm 1963, rồi về lại trường Sư Phạm SAIGON, Nha Sư Phạm và cuối cùng về một trường Sư Phạm ở miền Tây cho đến tháng 4 năm 1975. Tuy tạm trú chỉ vỏn vẹn trên dưới một niên học nhưng ngôi trường bé nhỏ này đã dạy tôi rất nhiều điều từ cách đối nhân xử thế, tình thầy trò, tình bè bạn, vui buồn của nghề gõ đầu trẻ. Theo tôi đây là giai đoạn phát triển nhất của giáo dục tiểu học ở miền Nam trước 1975. Lương đủ sống, nếu không nói là dư dả. Có sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình (xã hội) với nhà trường (Thầy Cô). Học sinh răm rắp nghe lời Thầy Cô đôi khi hơn cả phụ huynh. Theo học ngành Sư Phạm và sau này đi dạy học là mơ ước của nhiều học sinh phổ thông thời đó. Thật vậy, không những lương đủ nuôi sống gia đình mà còn được hoãn dịch nên số thí sinh chen chúc tìm một chỗ đứng vào ngành Sư Phạm ngày càng đông, nhất là giữa thời chiến. Viết đến đây chợt nhớ một kỷ niệm xin ghi lại để cùng suy ngẫm về cách chọn nhân tài của các sư phụ ngày trước. Năm 1963, lúc dạy tại trường Sư Phạm Thực Hành tôi được dự một buổi hỏi vấn đáp cho thí sinh thi nhập học Sư Phạm (lúc đó phải tốt nghiệp Tú Tài 1). Giám khảo 1 là Thầy NGUYỄN ĐÌNH PHÚ một nhà giáo kỳ cựu từng là một Lãnh đạo cao cấp tại Bộ giáo Dục Saigon, lúc ấy là giáo sư thỉnh giảng tại trường Sư Phạm SÀI GÒN. Giám khảo 2 là tôi, giáo viên tại trường Sư Phạm thực hành Sài Gòn. Sau gần 15 phút thay phiên hỏi về kiến thức tổng quát cuối cùng Cụ hỏi thí sinh về quê quán, nhà cửa, gia cảnh, vv ... Cụ bảo em về ghế ngồi và hội ý với tôi để cho điểm. Cụ bảo tôi cho điểm trước, tôi từ chối nhường cho Cụ phê trước. Cụ không chịu mà một mực bảo tôi cho trước. Chẳng đặng đừng, tôi cho 10/20 vì các câu trả lời cũng không có gì đặc sắc lắm ... Sau khi xem phiếu điểm và lời phê của tôi, Cụ bắt đầu trao đổi với tôi. Trước tiên, Cụ khen tôi là trung thực, điểm này rất công bằng Cụ rất tán đồng. Nhưng Cụ xin tôi, (Cụ dùng từ “xin” làm tôi sững sờ, lúng túng) nên xét lại mà gia giảm cho cháu. Qua cách ăn mặc, trò chuyện Cụ biết là em sống ở miền quê, cha mẹ nghèo, thiếu trước hụt sau, đây là ”type” người mà nền giáo dục tiểu học chúng ta rất cần trong tương lai, những người mà ta có thể tin rằng sẽ bám trụ với ruộng vườn để vực dậy nền giáo dục nước nhà chớ không phải là những kẻ cơ hội mượn danh nghĩa giáo dục để trốn lính, để làm bàn đạp vinh thân phì gia ... Các bạn biết không tôi đã bị thuyết phục và đã “a tòng” với Cụ xé rào không phải vì phong bì, cũng không phải vì một tiệc nhậu linh đình như bao ngành khác. Bởi vậy được là cái “bóng” của các Cụ trưởng bối trong ngành Sư Phạm Tiểu học là một may mắn và vinh dự cho chúng tôi những Thầy Cô giáo tiểu học. Quả thật đây là giai đoạn của “một thời để nhớ” không sao phai mờ được trong tâm trí của những thầy giáo già như chúng tôi.
Mọi trích đoạn hay sao chép lại từ các bài hồi ký đăng trên site này,
xin các bạn ghi rõ nguồn gốc trích từ site suphamthuchanhq5.free.fr và tên tác giả (thầy, cô). |
Création du site le 06 mars 2011 Mise à jour le 18/04/2025 || © 2011-2025 DMB |